9 bài Haiku (804-812) của thiền sư Kobayashi Issa (小林一茶, Tiểu Lâm Nhất Trà).
Trong buổi chiều tà
chim săn mồi đã
chui vào đám hoa.
Hoa đào nở rồi
nhưng có đôi người
không hề hứng thú.
Kìa chú dạ oanh
đang chùi đôi chân
trên hoa mận trắng.
Gió xuân nhẹ nhàng
con bò dẫn lối
đến chùa Thiện Quang.
(Bài haiku này dựa theo một câu chuyện dân gian ở tỉnh Shinano, quê nhà của Issa. Một người đàn bà độc ác đang phơi áo trong vườn, thình lình một con bò xuất hiện, dùng sừng móc lấy tấm áo rồi chạy đi. Người đàn bà đuổi theo con bò đến tận chùa Thiện Quang (Zenkō-ji), nơi nó biến mất và bà thấy mình đang đứng trước tôn tượng Đức Phật Di Đà. Kể từ giây phút đó bà trở thành một người thiện lương.)
Đứa bé lao nhao
ở trên ngực mẹ
đòi ăn hoa đào.
(Chúng ta có thể hiểu bài haiku này một cách thực tế: rằng đứa bé muốn khám phá thế giới bên ngoài bằng cách đưa tất cả những gì nó có vào trong miệng. Hoặc ở một tầng sâu hơn, bài haiku như muốn ám chỉ rằng Vẻ Đẹp của Thiên Nhiên là thức ăn đối với con người, không có nó, chúng ta sẽ chết đói.)
Này quả đào đang trôi
trong màn sương buổi sớm
hãy dạt vào chỗ tôi!
(Theo R. H. Blyth trong Haiku, một người đang bà đang giặt áo bên bờ suối, ‘’nơi một trái đào thật bự (momo) trôi đến bên bà. Bà mang nó về nhà, và khi bà cùng chồng mổ trái đào ra, họ tìm thấy một bé trai ở bên trong’’ (Tokyo: Hokuseido, 1949-1952). Câu chuyện cổ tích về cậu bé trái đào khiến bài haiku này thêm muôn phần huyền ảo. Trong màn sương sớm, Issa tưởng tượng một trái đào như thế sẽ trôi đến bên mình.)
Buổi chiều nước lên nhanh
một con chuồn chuồn ớt
đậu trên nhành cỏ xanh.
Chỗ nghỉ lại của ta
vừa mới lợp hôm qua…
mưa đầu đông đổ xuống.
Trong thôn làng xa xôi
khi mạ vừa cấy xuống
ngỗng hoang bay đầy trời.
_________________
* Pháp Hoan dịch từ bản dịch tiếng Anh của David G. Lanoue. Nguyên tác thơ của Kobayashi Issa ( 小林一茶, Tiểu Lâm Nhất Trà).