14 bài Haiku (816-829) của thiền sư Kobayashi Issa (小林一茶, Tiểu Lâm Nhất Trà)
Căn nhà của tôi
xuyên qua bóng lá
ánh trăng rạng ngời.
Hoa dại hiển bày
ở trước cánh cổng
tầm năm, sáu ngày.
Đoá mẫu đơn kiêu kỳ
giấu đi nửa khuôn mặt
trong đám cỏ xanh rì.
Cánh bướm bay lên cao
dây thừng kia giăng kín
xung quanh cây anh đào.
(Những sợi dây thừng được giăng xung quanh cây anh đào. Issa như muốn nhấn mạnh đến tính gàn dở của con người luôn muốn biến thiên nhiên thành vật sở hữu của mình.)
Ở Katsushika
chiều mùa thu thấm lạnh
cơn mưa về nơi xa.
Gió thu buốt từng cơn
phải chăng vừa thổi đến
từ cõi ngục Đao Sơn?
(Bài haiku này được viết khi Issa viếng thăm chùa Daijô-ji (Đại Thừa Tự), nơi ông được ngắm bức tranh vẽ về 18 cảnh địa ngục (Thập Bát Nê Lê). Theo học giả-tu sĩ Genshin (được xem như Dante của Nhật Bản), tầng thứ 7 là địa ngục Đao Sơn, nơi có một ngọn núi với rừng cây làm bằng đao sắc. Issa có lẽ đã xem bức tranh minh hoạ về địa ngục này.)
Gió thu bay đầy trời
tôi đi vào vùng đất
người già bị bỏ rơi.
(Obasute (đôi khi được gọi là Ubasute) là một ngọn núi ở tỉnh Shinano, quê nhà của Issa. Nơi những người già, theo truyền thuyết, bị bỏ rơi trong núi để chết. Ngày nay được gọi là Kamurikiyama. Ở đây, Issa muốn liên kết (một cách thi vị) gió mùa thu với tuổi già và cái chết.)
Mái tranh đã lợp rồi
tiếng kêu của con hoẵng
là nơi tôi lìa đời.
Hát đi, chim cút ơi!
thảo am này ta đóng
nếu làm phiền đến ngươi.
Thế gian này hỡi ôi
ai rồi cũng già cả…
giẽ giun bay về trời.
Trên đồng, lửa cháy bừng
nhưng sớm thôi muồm muỗm
sẽ ca vang không ngừng.
Ở sườn núi phía tây
chim dạ oanh đã hót
sư gõ bát cuối ngày.
(Bắt đầu từ ngày thứ 13 của tháng thứ mười một cho đến 48 ngày sau đó, một số tăng sĩ Phật Giáo làm chuyến hành hương mỗi đêm, tụng đọc kinh sách và niệm danh hiệu Phật. Và vì phải khất thực trong suốt chuyến hành trình, họ thông báo cho các tín đồ địa phương biết sự hiện diện của mình bằng cách gõ bình bát. Danh hiệu Phật được niệm là ‘’Namu Amida Butsu-Nam Mô A Di Đà Phật’’. Cõi nước Tịnh độ của Đức Phật A Di Đà nằm ở phương Tây, điều này khiến cho hình ảnh ‘’sườn núi phía tây’’ thêm phần ý nghĩa.)
_________________
* Pháp Hoan dịch từ bản dịch tiếng Anh của David G. Lanoue. Nguyên tác thơ của Kobayashi Issa ( 小林一茶, Tiểu Lâm Nhất Trà).
🙏🏻💙🙏🏻
ThíchThích
“Bắt đầu từ ngày thứ 13 của tháng thứ mười một cho đến 48 ngày sau đó” suy ra tất cả 49 ngày, ngày đầu 13 tháng 11, và nếu theo âm lịch. ngày cuối sẽ qua năm mới, là ngày Tết, mồng một nếu mỗi tháng 11 và tháng chạp đều đủ, mồng hai nếu có một tháng thiếu. Nếu theo dương lịch, ngày cuối sẽ là giao thừa.
ThíchĐã thích bởi 1 người
Đúng rồi Gia Định. PH cũng có nhẩm tính khi dịch bài này.
ThíchThích