Chương 4 – Lòng Tử Tế
Phúc Điền Thiên Đại Ni (Fukuda Chiyo-ni, 福田千代尼).
Dây gàu đã vướng rồi
nhành triêu nhan bên giếng
đành xin nước người thôi.
Morning glories-
the well-bucket entangled
I ask for water.
Một trái tim đầy bi cảm: thà xin nước bên nhà hàng xóm chứ nhất quyết không động đến nhành hoa. Đừng tạo nên những ranh giới giữa bản ngã và tha thân – để có thể nhìn cuộc đời với con mắt của một bông hoa. Lòng Từ Bi luôn có hai phương diện: nhớ nghĩ đến những điều tử tế mà mình đã làm cho người và những điều tử tế mà người đã làm cho mình, hai điều này hoàn toàn giống nhau, bởi vì chúng ta tương tức để tồn tại. Những lời dạy trong Phật giáo về đề tài này có thể khiến ta choáng ngợp lúc mới nghe: ‘’Rằng tất cả chúng sanh trong nhiều đời nhiều kiếp đều đã từng là cha mẹ của ta’’. Ngay cả đoá triêu nhan cũng vậy, nhưng ý niệm tất cả con người từng là cha mẹ của ta chính là thử thách đầu tiên: để đem tình yêu thương mà đối xử với tất cả mọi người, bằng cách quán niệm rằng chúng ta luôn có sự kết nối mật thiết với nhau, và không ai có thể hiện hữu như một thực thể độc lập. Học giả thiền tông Nhật Bản D.T. Suzuki xem bài haiku này của Chiyo-ni như một biểu hiện của Tuệ Giác và so sánh nó với bài haiku con ếch nổi tiếng của Basho: ”Con ếch của Basho đã tạo ra một tiếng vang trong ao nước cũ, và chính điều này đã giúp cho ông có cơ hội kết nối với tinh thần … bất sanh bất diệt của vạn vật. Trong trường hợp của Chiyo-ni là một đoá triêu nhan… một sự đồng nhất hoàn hảo giữa chủ thể và đối tượng, giữa người quan sát và vật được quan sát… trong giây phút đó, bà không còn ý niệm về bản thân… tâm thức của bà tràn ngập bởi hoa, thế giới quanh bà hoá thành hoa, và chính bản thân bà cũng là một đoá hoa. Bởi Chiyo-ni từng là một ni sư tu học theo Tịnh Độ Chân Tông, bà phát nguyện sẽ không bao giờ làm tổn hại đến bất cứ sinh linh nào. Quán niệm Từ Bi, ngay cả đối với một bông hoa, chính là tinh thần tôn giáo của Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma thứ 14, khi Ngài cho rằng ai cũng có thể thực tập điều này mọi lúc mọi nơi, bằng cách nhớ nghĩ đến ”Tâm Hoa” có trong mỗi người.
___________
* Pháp Hoan dịch từ bản dịch tiếng Anh trong Haiku Cho Tâm Hồn: 108 Bài Thơ Để Nuôi Dưỡng Sự Tỉnh Thức & Mở Rộng Trái Tim (Haiku Mind, 108 Poems to Cultivate Awareness & Open Your Heart) của Patricia Donegan. Nguyên tác thơ của nữ nhà thơ người Nhật Phúc Điền Thiên Đại Ni (Fukuda Chiyo-ni, 福田千代尼).
* Artwork by unknown artist.
Very good, Pháp Hoan.
ThíchĐã thích bởi 1 người