Ngày Thơ Haiku Thế Giới- Lã Thanh Hà
Sáng nay, mình có đọc được một câu trên một blog về làm cha mẹ mà mình theo dõi: Tôi mong con mình lớn lên sẽ trở thành kiểu người: “Nhìn mặt trăng kìa!”. Nhìn mặt trăng để làm gì nhỉ? Nó có quan trọng không? Nếu còn phải hỏi câu hỏi tại sao đó, có lẽ sẽ khó giải thích việc nhìn mặt trăng lại cần thiết thế nào, đơn giản vì… nó chưa cần thiết. Điều cốt tủy không thể nhìn thấy bằng mắt thường, cũng như những điều mà ta thực sự có thể dạy cho trẻ bao giờ cũng lớn hơn những gạch đầu dòng được liệt kê. “Nhìn mặt trăng kìa!” không quan trọng vì kiểu cơm ăn nước uống không khí thở, mà vì đó là nghi thức của lòng biết ơn, sự tụng ca ta dành cho cuộc sống này và cho chính mình. Có nó, người ta không sợ hãi sự một mình. Mà chỉ khi không sợ một mình, người ta mới thực sự có thể chung sống hòa hợp và trọn vẹn với người khác.
Hôm nay là ngày Thơ Haiku Thế giới. Đọc thơ Haiku cũng là một cách (trong nhiều cách) để nuôi dưỡng con người “nhìn mặt trăng kìa” của chúng ta. Với mình, Haiku, nhất là những bài thơ Haiku về thiên nhiên, là thể thơ gần với trẻ thơ nhất – thuần khiết, sống động và chẳng bao giờ rao giảng điều gì. Masanobu Fukuoka trong cuốn “Cuộc Cách mạng một cọng rơm” nói rằng “Chỉ có trẻ em nhìn thiên nhiên như nó vốn là.” Mình cũng hay tìm thấy điều đó khi đọc Haiku.
Mình minh họa chơi chơi 5 bài của Issa và Basho mà mình thấy thật hợp cho các bạn nhỏ. Lúc vẽ cảm thấy thật vui, cả cơ thể như được hít thở bầu không khí của những bài thơ vậy. Các bài thơ mình đều lấy từ bản dịch trên blog của Pháp Hoan https://phaphoan.ca/. Cảm ơn người dịch thật nhiều.
💙💙💙
ThíchĐã thích bởi 1 người