PHÁP HOAN : LỊCH MÙA
“Lịch mùa” là không – thời gian mà ở đó, những ranh giới cụ thể dường như đã bị/ được xóa nhòa. Tất cả dường như đã im lắng lại “trên sự yên tĩnh đời đời”. Nhưng cũng ở đó, lạ thay, vẫn rất nhiều những “mơ”, “mộng”, “bài ca”, “âm nhạc”… Từ “Đường đi của một cơn bão” đến “Giây phút trước bình minh“, lúc âm thầm khi sôi nổi, đều vang âm “Bài tụng ca hạnh phúc“. Đấy là thứ hạnh phúc tự có, tự đầy trong một nội tâm an lành tỏa lan ra vạn vật.
“Mùa xuân sau một cái chết” là một đại diện khỏe khoắn của tinh thần “Lịch mùa“. Vẻ đẹp của nó không nằm ở việc chuyển tải triết lý về lẽ tử sinh đã thành lối mòn mà nằm trong cách mô tả đời sống nhằm dẫn đến những nhận thức triết lý kia. Nội dung bài thơ gắn liền và được khai triển theo cùng điểm nhìn chủ thể, điểm nhìn ấy dịch chuyển đến đâu thì không gian thơ (và nội dung bài thơ) “mở ra” đến đấy. Con mắt nhà thơ chăm chú dõi theo sự hé nở của những bông hoa, từ xa đến gần, bắt đầu từ cánh đồng, đến kẽ đá, ngọn đồi, nghĩa trang lạnh giá, và thu hẹp dần điểm nhìn, đến khi bất ngờ nhận ra, “và kìa sau tấm lưng tôi hàng loạt bông hoa thi nhau nở rộ”. Cứ thế, bằng lối quan sát điềm tĩnh, tỉ mỉ và… thản nhiên ấy, chủ thể – tác giả tiếp tục dõi sâu hơn vào “cuống họng tôi những bông hoa chui ra/ những bông hoa khác từ đôi mắt tôi/ từ đầu ngón tay/ từ lồng ngực”. Bài thơ kết thúc bằng một sự thật đáng sửng sốt: “Bất chợt tôi nhớ ra là mình đã qua đời vài năm trước đó và tấm thân bây giờ là mảnh đất màu mỡ cho đám hoa lá mùa xuân”.
Từ dòng đầu tiên cho đến khi kết thúc, tác giả vẫn luôn kiên trì lối mô tả khách quan, tối giản. Sự tiết chế này có tác dụng dẫn dụ người đọc đi vào thế giới của sự bất thường một cách tự nhiên. Dường như không ai – ngay cả tác giả – nhận ra sự bất thường này cho đến khi anh ta “chợt nhớ mình đã qua đời” và khi đó, điểm nhìn và tính chất của cái nhìn lập tức thay đổi. Không phải là cái nhìn của kẻ đang sống, đang đứng ngắm nghía, mô tả cảnh vật – cái thế giới ngoài mình, tách rời và đối lập với mình – trong thì hiện tại, trong những phiến cảnh rời rạc, một cách nhàn nhã vô tư lự; mà là cái nhìn của kẻ đã chết, đã nằm dưới đất, nơi thân xác và đất đen hòa làm một, đang hồi cố đời sống trong cái nhìn tổng kết, khái quát. Một loạt tương quan đối lập mang ý vị triết học dấy lên từ đó. Nhưng cái đáng quan tâm trong bài thơ này không phải là những tương quan đối lập (là điều dễ nhận thấy và cũng đã được luận bàn nhiều trong thơ như một chủ đề phổ quát) mà là sự chuyển hóa giữa các yếu tố đối lập ấy, và hơn thế, là cách mô tả về quá trình ấy. Sự sống và cái chết chuyển hóa và thâm nhập vào nhau tự nhiên đến đỗi khó có thể nhận ra được, đến nỗi ngay cả với kẻ (đã nằm dưới mộ), cảm giác những bông hoa chui ra từ cuống họng, từ đôi mắt hay ngón tay, đôi tai, lồng ngực… cũng là một cái gì không thể tự nhiên hơn và bởi thế, dường như không đem lại sự chấn động đáng kể nào với “tôi” – người quan sát, đồng thời cũng là kẻ đã/đang chết. (Thực ra, đặt trong những câu thơ này, nhận định về những bông hoa “đang chiếm đoạt lấy thân thể tôi“, “làm tâm tư tôi trở nên bấn loạn” cũng có thể được hiểu theo một cách khác, theo nghĩa đen, “cực thực” và điều này, tự nó đã làm bật nổi tính chất dị thường của sự việc. Dị thường bởi chính sự quá bình thường, hiển nhiên của nó). Và thế là, ngay cả với người đã chết, những cảm giác, cảm xúc ấy làm cho anh ta “sống” hơn hết. Ở đây không hẳn là sự song hành (hiểu theo nghĩa tách rời hai điểm nhìn người sống – kẻ chết, âm – dương, quá khứ – hiện tại…) mà là sự chuyển hóa, hòa trộn, thống nhất giữa hai điểm nhìn ấy. Hai nhưng thực chất là Một.
… Nên, trong “Lịch mùa“, những hình ảnh thơ luôn gợi vẻ đẹp riêng, vừa xa vời như trong giấc mơ của thiền giả, lại vừa rất cụ thể, tươi tắn và ấm áp:
Mùa xuân đến bất thường như cơn bão
gom lá khô ném vào khung cửa sổ
mèo con sợ hãi leo lên cây mận trước nhà
… Đôi ba hạt mưa buông nhẹ trên mặt nước
những đóa hoa vàng nở ra trước cơn giông
người đưa thư trước ngõ rời đi trong gió
(“Xuân sớm”)
Thị giác và thính giác là hai giác quan được huy động tối đa. Sắc màu, âm thanh, sự chuyển động được quan sát và tái hiện lại một cách từ tốn nhưng sắc nét. Hình ảnh một mùa xuân “bất thường” “gom lá khô ném vào khung cửa sổ” hay hình ảnh “những đóa hoa vàng nở ra trước cơn giông” dường như không hẳn chỉ được mô tả từ cái nhìn khách quan của kẻ đứng ngoài, tách rời vạn vật. Đó dường như là cái nhìn từ bên trong của chính sự vật. Tự bên trong nó đủ sức nhận ra cả cái bất thường của cơn dông giữa mùa xuân lẫn tốc độ chậm rãi của những đóa hoa vàng nở ra trước cơn giông lốc.
“Lịch mùa“, nếu ở phần đầu chủ yếu hướng về cảm hứng tự nhiên, tâm linh mang đậm ý vị Thiền học, triết học, thì trong phần sau đã chuyển sang những nội dung thế sự nhiều hơn và có vẻ hơi ly tâm so với tên tập. Nghĩa là cái tên “Lịch mùa” dường như chưa bao hết được những nội dung trong tập thơ này. Riêng tôi nghĩ, chính sự “ly tâm” so với tên tập này lại là một điểm hay. Nó cho thấy, dù viết về viết về vòng quay bất tận của thời gian thì thì hiện tại mới là cái thời gian tồn tại đích thực của con người. Thì hiện tại, như một đối tượng mô tả ẩn hình nhưng luôn hiện diện trong tác phẩm, là lựa chọn cách thế hiện diện của một cái tôi sáng tạo đặc biệt, dù đi xa/ sâu đến mấy trên hành trình của một thiền giả, vẫn không thể nào ly tâm với cuộc đời này, thế cuộc này.