Hans Magnus Enzensberger (11 tháng 11, 1929 là tác giả, dịch giả, biên tập viên, một trong những nhà thơ lớn nhất trong văn chương Đức ngữ thế kỷ XX. Ông còn viết dưới bút danh Andreas Thalmayr.
Enzensberger sinh năm 1929 trong một thị trấn nhỏ tại Bayern và là con cả trong một gia đình có bốn anh em trai. Ông là một phần trong thế hệ tri thức cuối cùng, những người với lối viết được định hình bởi những kinh nghiệm trực tiếp của Đế chế thứ ba. Năm 1931, gia đình ông chuyển đến Nürnberg, nơi ra đời của Chủ nghĩa quốc gia xã hội. Julius Atreicher, người sáng lập và nhà phát hành tờ nhật báo Der Stürmer, từng là hàng xóm ngay sát vách nhà ông. Hans Magnus từng tham gia Đoàn thanh niên Hitler trong những năm tháng thiếu niên, nhưng bị trục xuất ngay sau đó. ‘Tôi không có khả năng để trở thành một đồng chí giỏi. Tôi không thể chấp hành kỷ luật nhà binh, đó không phải là tính cách của tôi. Nó có thể là một khuyết điểm, những tôi không thể làm khác đi’’
Enzenberger học văn học và triết học tại đại học Erlangen, Freiburg và Hamburg, sau đó tại đại học Sorbonne ở Paris, nhận học vị tiến sĩ năm 1955 với luận án về thơ của Clemens Brentano. Đến năm 1957 ông là biên tập viên truyền thanh tại Stuttgart. Ông tham dự nhiều buổi họp mặt của nhóm văn học huyền thoại Nhóm 47. Giữa những năm 1965 và 1975, ông sống một thời gian ngắn tại Hoa Kỳ và Cuba và là biên tập viên của tờ Das Kursbuch. Từ năm 1985 ông là biên tập viên của một chuỗi sách uy tín Die Andere Bibliothek, xuất bản tại Frankfurt, đến nay đã có hơn 250 đầu sách. Cùng với Gaston Salvatore, Enzensberger đồng sáng lập nguyệt san TransAtlantik. Những tác phẩm của ông đã được dịch ra hơn 40 thứ tiếng.
Ông là anh trai của tác giả Christian Enzensberger và hiện định cư tại thành phố München.
Tuổi Ba Mươi Ba
Nó hoàn toàn khác với những gì cô mong đợi.
Lúc nào cũng những chiếc Volkswagen rỉ sét này.
Xém chút nữa cô đã cưới tay thợ làm bánh mì.
Đầu tiên cô đọc Hesse, rồi Handke.
Bây giờ nằm trên giường cô thường chơi trò giải ô chữ.
Cô không để đàn ông lấy đi tự do của mình thêm lần nữa.
Cô từng theo chủ nghĩa Trotsky trong nhiều năm, nhưng theo cách của cô.
Cô chưa bao giờ có được cuốn sổ phân phối thực phẩm.
Khi nghĩ về Campuchia cô thấy buồn nôn.
Người tình sau cùng của cô, một tên giáo sư, luôn muốn cô đánh gã.
Những chiếc váy Batik màu xanh lá, luôn quá khổ đối với cô.
Đám côn trùng bám vào cây đoan cảnh trong nhà.
Thực ra cô từng muốn học vẽ, hoặc di cư đến một nơi nào đó.
Luận án của cô, Cuộc Đấu Tranh Giai Cấp ở Ulm, từ 1500
đến 1512 và Những Ám Chỉ về họ trong Dân Ca:
Tiền trợ cấp, những khởi đầu và một va li đầy ghi chép.
Đôi khi bà của cô gửi cho cô ít tiền tiêu vặt.
Nhảy ngập ngừng trong phòng tắm, cô chau mày, nhăn mặt,
nước cốt dưa leo để hàng giờ trước gương.
Cô tự nhủ: mình sẽ không chết đói giữa đường.
Khi khóc, trông cô như con gái mười chín.
Pháp Hoan dịch từ nguyên tác tiếng Đức Die Dreiunddreißigjährig.
Photo: Walter Höllerer, Susan Sontag, and Hans Magnus Enzensberger, Princeton University, April