THẦN KHÚC – HOẢ NGỤC (Canto IV) – DANTE ALIGHIERI

THẦN KHÚC – DIVINA COMMEDIA
(DANTE ALIGHIERI)
Phần I: Hoả Ngục
Đọc Canto I, II và III ở đây:
Canto I: https://phaphoan.com/…/than-khuc-divina-commedia-cau…/
Canto II: https://phaphoan.com/…/than-khuc-divina-commedia-canto…/
Canto III: https://phaphoan.com/…/than-khuc-divina-commedia-canto…/
Canto IV: https://phaphoan.com/…/than-khuc-divina-commedia-canto…/
—————–
CANTO IV (406-556)

Mộng mị ở trong đầu vỡ tan thành từng mảnh
Khi tiếng sấm kinh hoàng nổ lớn ở bên tai,
Như một người ngủ say bị lay bằng sức mạnh;

Tôi nhẹ nhàng đứng lên rồi từ từ quan sát
Với đôi mắt tinh tường sau khi được nghỉ ngơi,
Cảnh vật ở khắp nơi dần hiện lên mờ nhạt.

Rồi nhận thấy bản thân, lúc này đây, quả thực
Đang đứng bên bờ vực của thung lũng thương đau,
Nơi bao tiếng sấm gào vọng lên từ địa ngục.

Chốn thung lũng tối tăm phủ màn sương dày đặc,
Dẫu đưa mắt dõi nhìn xuống tận đáy vực sâu,
Tôi cũng không thể nào nhận ra được một vật.

“Ôi thế giới mù loà hãy cùng nhau xuống dưới
Ta đi trước dẫn đường còn con hãy theo sau.”
Với khuôn mặt xanh xao, Thầy tôi cất tiếng nói.

Nhưng khi thấy màu da của thầy, tôi vội hỏi:
“Thầy là nguồn an ủi trong những lúc lâm nguy,
Sao con có thể đi khi thấy thầy sợ hãi?”

Thầy liền trả lời tôi: “Chính tiếng kêu cùng khổ
Của những người dưới đó làm ta thấy thương tâm
Thứ mà con tưởng lầm là nỗi niềm khiếp sợ.

Nào ta hãy đi thôi, đường còn xa phía trước.”
Nói rồi thầy cất bước còn tôi vội theo sau
Đi vào vòm ngục đầu chạy xung quanh miệng vực.

Ở đây tôi không còn nghe bất kỳ tiếng động –
Ngoài những tiếng thở dài từ bốn phía vọng sang
Khiến không khí vĩnh hằng rung lên từng gợn sóng.

Những âm thanh ưu sầu nhưng không hề thống khổ
Thoát ra từ cửa miệng của vô số đám đông
Của đàn bà, đàn ông và cả bầy trẻ nhỏ.

Lời thầy tôi nhẹ nhàng: “Cớ sao con không hỏi,
Những linh hồn mòn mỏi còn nhìn thấy là ai?
Ta sẽ nói con hay trước khi cùng bước tới,

Họ có đủ phước lành và không gây lầm lỗi,
Nhưng chưa hề rửa tội để quy hướng Thần Linh,
Cửa ngõ của Đức Tin mà con từng lãnh hội.

Và cũng bởi sinh ra trước Công Nguyên nên họ
Không thờ phụng Chúa Trời theo phép tắc phải ngay;
Chính bản thân ta đây là một trong số đó.

Vì những thiếu sót này chứ không vì tội ác,
Nên hình phạt nhận về là lạc mất lối đi:
Chẳng còn hy vọng gì ngoài những niềm khao khát.”

Nỗi sầu muộn dâng lên khi tôi nghe lời đó,
Bởi biết bao nhiêu người cao quý ở Limbo,
Chịu số phận mập mờ không hề phân định rõ.

“Xin hãy cho con hay, thưa thầy, người dẫn lối,”
Tôi khẩn khoản mong cầu để có thể an tâm
Về tín ngưỡng trong lòng vượt thắng muôn lầm lỗi.

“Đã từng có người nào từ đây về chốn ấy
Bởi công đức của mình hay vì được ban ân?”
Thầy hiểu rõ ngọn ngành những điều tôi che đậy,

Và từ tốn chỉ bày: “Ta chỉ vừa mới tới
Nhưng từng thấy một người hiện xuống ở nơi đây;
Vương miện trên đầu Ngài là vinh quang chói lọi.

Ngài đón nhận linh hồn của A-Đam thuỷ tổ,
Của Abel máu mủ, và của cả No-ah,
Cũng như của pháp gia, Mo-sê, người ngoan đạo.

Của thầy Ab-ra-ham, và của vua Da-vid,
Của cha con Ja-cob ở xứ I-sra-el,
Và của cả Ra-chel, người mà Ngài ưa thích,

Và còn biết bao người đã được Ngài ban phúc;
Nhưng con nhớ cho rằng chẳng lấy một vong linh
Trước đó được thần linh ở trên cao cứu giúp.”

Chúng tôi không dừng chân trong khi thầy giải thích;
Mà tiếp cuộc hành trình xuyên qua cánh rừng sâu –
Nơi đám đông u sầu đứng chen nhau chật ních.

Nhưng chẳng được bao lâu khi chúng tôi rời khỏi
Nơi dừng chân ngủ lại, bỗng phía trước hiện ra
Một quầng lửa chói loà soi nửa vùng bóng tối.

Dẫu vẫn còn khá xa từ chốn này đến đó
Nhưng tôi nhìn thấy rõ chẳng một chút lầm sai
Rằng đó chính là nơi của những người đáng kính.

“Ôi bậc thầy thơ ca và khoa học lỗi lạc,
Vì những vinh dự gì và phẩm cách nào đây
Khiến cho những người này nhận về thân phận khác?”

Và thầy trả lời tôi: “Ở bên trên dương thế,
Danh tiếng những người này lừng lẫy khắp bốn phương,
Nên Chúa Tể thiên đường ban cho nhiều ân huệ.”

Trong khi thầy giải bày bỗng tôi nghe tiếng nói:
“Hãy tôn vinh thi sĩ vĩ đại của chúng ta;
Bóng hình từng rời xa giờ đây quay trở lại.”

Khi lời nói vừa ngưng và không gian im ả,
Bốn chiếc bóng khổng lồ tiến về phía chúng tôi;
Sắc mặt họ không vui cũng không hề buồn bã.

Thầy cất tiếng nhẹ nhàng khi đưa tay ra trỏ:
“Con có nhìn thấy rõ người cầm kiếm trong tay,
Ngài chính là bậc thầy, kẻ dẫn đầu bọn họ.

Tên ngài là Homer, là thi nhân tối thắng;
Còn nhà thơ trào phúng Ho-race bước sau lưng;
Lu-can, người cuối cùng, bên nhà thơ O-vid.

Bởi những linh hồn này cùng với ta tương xứng –
Với tên gọi vừa rồi mà lời nói tụng ca,
Họ đã tôn kính ta, và họ làm vậy đúng!”

Ở trước mặt của tôi là hội đoàn thi sĩ,
Những vần thơ tuyệt mỹ đã được họ viết ra,
Như đại bàng bay qua những tầng trời kỳ vĩ.

Sau khi gặp mặt nhau và chuyện trò một lúc,
Họ quay đầu lại nhìn rồi ra hiệu chào tôi,
Thầy tôi mỉm miệng cười với vẻ mặt hạnh phúc;

Niềm vinh dự lớn lao không thể nào tả thấu,
Khi tôi được mời vào hiệp hội của thi nhân,
Giữa những bậc hiền nhân tôi là người thứ sáu.

Rồi chúng tôi lên đường đi đến miền sáng tỏ,
Và đổi trao nhiều điều không được nói ở đây
Cũng như thứ gì hay, phải kể ra, ở đó.

Chúng tôi đến dưới chân một lâu đài diễm lệ,
Được bao quanh bảy vòng bởi những bức tường cao,
Một dòng sông ngọt ngào chảy xung quanh bảo vệ.

Chúng tôi đi trên sông như đi trên nền đất;
Vượt qua bảy cổng thành cùng với những hiền nhân;
Tôi thấy thảm cỏ xanh dần hiện ra trước mặt.

Mắt những người ở đây thật trang nghiêm thần thái;
Và dáng vẻ bên ngoài lại đường bệ khoan thai;
Họ ít khi mở lời nhưng ngữ âm êm ái.

Chúng tôi đi cùng nhau ở bên rìa bãi cỏ,
Lên nền đất sáng tỏ, cao ráo và thênh thang,
Để có thể nhìn sang những người đang ở đó.

Ở trước mặt bày ra một vùng xanh như ngọc,
Vong linh những anh hùng; chỉ cần thấy họ thôi
Đối với bản thân tôi là vinh quang tột bậc,

Tôi thấy E-lec-tra cùng những người đồng đội
Hec-tor, Ae-ne-as và có cả Cae-sar –
Mắt như chim ưng già, mặc giáp khiên sáng chói.

Pen-the-si-le-a, Ca-mil-la… tôi thấy.
Cùng vua La-ti-nus, ngồi một phía, đằng xa,
Với La-vi-ni-a, con gái ông ở đấy;

Tôi thấy người anh hùng đuổi Tar-quin kiêu ngạo,
Cùng bốn nữ anh hào với đức hạnh trinh nguyên,
Và cả A-la-din, ngồi một mình, tách biệt.

Khi tôi đưa mắt mình ngước chệch lên một chút,
Tôi nhìn thấy vị Thầy mà ai cũng nghe danh,
Được cung kính vây quanh bởi gia đình triết học.

Tất cả hướng về ngài và cúi đầu ngưỡng bái:
Tôi thấy So-cra-tes và thấy cả Pla-to,
Bên A-ris-to-tle, trước những người còn lại;

A-na-xa-go-ras và De-mo-cri-tus,
Di-o-ge-nes cùng, Tha-les với Ze-no,
Em-pe-do-les và, cả He-ra-clis-tus;

Di-o-sco-ri-des, nhà sưu tập thảo mộc,
Tôi thấy Or-phe-us và thấy cả Tu-lly,
Se-ne-ca, Li-vy, bên nhà đạo đức học;

Tôi thấy Pto-le-my, cùng Hip-po-cra-tes,
Eu-clid, nhà hình học, với A-vi-cen-na,
Còn có Ga-len, và, cả A-ver-ro-es.

Tôi chẳng thể kể ra hết những điều cao cả;
Vì đề tài rộng lớn khiến cho bản thân tôi
Dẫu nói đến cạn lời cũng không sao diễn tả.

Nhóm sáu người chúng tôi tiễn đưa nhau một đoạn;
Rồi tôi bước cùng Thầy theo một lối đi riêng,
Từ vùng đất lặng yên sang đến miền hỗn loạn.

Và Tôi Tiến Vào Nơi Không Còn Gì Phát Sáng.

————–
01) Vực sâu: Địa ngục hình nón, dẫn xuống trung tâm của Trái Đất. Theo niềm tin thời xa xưa, địa ngục nằm ở dưới lòng đất, và những người ở chốn đó được gọi là inferi (người bên dưới); địa ngục trong tiếng Ý là Infeno, có nghĩa là nơi chốn ở bên dưới lòng đất.
02) Vòm ngục đầu tiên: Limbo, một trong chín vòm ngục trong Địa Ngục của Dante, từ chữ limbus (rìa) trong tiếng Latin.
03) Của Đàn Bà, Đàn Ông Và Cả Bầy Trẻ Nhỏ: Linh hồn của những người chưa được làm lễ rửa tội, và do đó không được bước vào nước Thiên đường. Theo các nhà thần học, “Limbo của trẻ con” là nơi linh hồn của những đứa trẻ chưa được rửa tội sinh vào sau khi chết. Theo quan điểm ít chính thống hơn, Dante gộp luôn cả linh hồn của người lớn, nếu lúc sanh tiền họ sống đúng với lý trí con người và đạo đức tự nhiên nhưng chưa bao giờ đạt được sự hoàn thiện tâm linh bằng nghi thức rửa tội để hiệp nhất với đức tin Thiên Chúa Giáo.
04) Cửa Ngõ Của Đức Tin: Lễ rửa tội (phép thanh tẩy), một trong bảy phép bí tích Thiên Chúa Giáo.
05) Chốn Ấy: Thiên Đường. Theo tín ngưỡng Thiên Chúa Giáo (bản Tín Điều Athanasius), giữa sự kiện đóng đinh và phục sinh của Chúa, Ngài đã đi xuống Địa Ngục. Dante ở đây đang thẩm tra niềm tin đó. Theo Phúc Âm thứ kinh của Nicodemus, chúa Giê-su đã xuống Limbo, nơi những linh hồn của thuỷ tổ, những thánh nữ và những nhà tiên tri trong Cựu Ước đang chờ đợi, và dẫn họ về nước Thiên Đường.
06) Vừa Mới Tới: Virgil mất vào năm 19 trước Công Nguyên, khoảng hơn năm mươi năm trước ngày mất của Chúa Giê-Su (năm 34 sau Công Nguyên).
07) A-Đam: Người đàn ông đầu tiên, thuỷ tổ của loài người (Sách Sáng Thế), (Thiên Đường. XXVI, 82-142).
08) Abel: Con trai của A-Đam, bị giết bởi anh trai Cain (Sách Sáng Thế).
09) No-ah: Người đóng con tàu để cứu gia đình ông cùng các loài động vật khỏi trận Đại Hồng Thuỷ (Sách Sáng Thế).
10) Moses: Nhà lãnh đạo của dân tộc Do Thái trong cuộc di cư từ Ai cập đến Miền Đất Hứa, và là người sáng lập ra đạo Do Thái và luật pháp Do Thái Giáo.
11) Abraham: Tổ phụ của dân Do Thái. Người chấp nhận giao ước của Chúa Trời để rời bỏ thành Ur sang vùng đất mới Canaan.
12) David: Vua của dân Do Thái, và là một nhà soạn thánh ca.
13) Của Cha Con Ja-cob Ở Xứ I-sra-el: Jacob cùng cha của ông Issac (con của Abraham) và mười hai người con trai, những người khai sáng của mười hai bộ tộc Do Thái.
14) Rachel: Vợ thứ hai của Jacob, người mà ông đã phải trải qua mười bốn năm làm việc cho Laban (cha của bà) mới có thể lấy được (Sách Sáng Thế), (Hoả Ngục. II. 102).
15) Quầng Lửa: Lâu đài phát sáng ở Limbo.
16) Những Người Đáng Kính: Vùng đất phát sáng của Limbo, nơi chỉ dành cho những người có đạo đức nhưng không theo Thiên Chúa Giáo, những người có những cống hiến lớn lao cho xã hội và văn minh nhân loại. Bao gồm những nhà thơ cổ điển, Virgil là một trong số đó; những anh hùng Hy Lạp và La Mã, những triết gia ngoại giáo, nhà văn, nhà toán học và thầy thuốc; cùng ba học giả Hồi Giáo trong thời hậu-Thiên Chúa.
17) Nhà Thơ Vĩ Đại: Virgil.
18) Homer: Nhà thơ đầu tiên của Hy Lạp, người viết nên hai thiên sử thi Illiad (về cuộc chiến thành Troy) và Odyssey (về chuyến phiêu lưu trên biển của Odysseus).
19) Horace: Nhà thơ La Mã (65-8 BC), người viết nên những tác phẩm trào phúng. Theo lý thuyết văn học thời trung cổ, thơ trào phúng có mục đích châm biếm những thói hư tật xấu của con người và là một nhánh của hài kịch, như Thần Khúc của Dante.
20) Ovid: Nhà thơ La Mã (43 BC-8 AD), với những tác phẩm xoay quanh những chủ đề về thần thoại cổ điển mà Dante đã vay mượn.
22) Lucan: Nhà thơ La Mã (39-65 AD), người viết nên trường ca Pharsalia, nguồn tài liệu mà Dante sử dụng liên quan đến cuộc nội chiến giữa phe Cộng Hoà và Julius Caesar, người khai sáng Đế Chế La Mã.
23) Lâu Đài Diễm Lệ: Ở đây có lẽ là biểu tượng của lý trí (trí tuệ) hay danh tiếng của con người, được bảo vệ bởi một con sông và bảy lớp cổng thành (Bảy môn nghệ thuật tự do-Liberal Arts, hệ thống giáo dục khai phóng thời trung cổ).
24) Thảm cỏ: Chốn này trong Limbo giống với Những Cánh Đồng Thiên Đường, nơi Aeneas từng viếng thăm (Virgil).
25) Hector: Anh hùng vĩ đại nhất của thành Troy, người bị giết bởi Achilles.
26) Aeneas: Tổ phụ của La Mã.
27) Caesar: Julius Caesar, tướng quân và là người khai sáng Đế Chế La Mã.
28) Camilla: Nữ hoàng-chiến binh, bị giết trong cuộc chinh phục xứ Latium của Aeneas.
29) Penthesilea: Nữ hoàng của bộ tộc Amazon, người chiến đấu với binh sĩ thành Troy và bị giết bởi Achilles.
30) Latinus: Vua của xứ Latium, người Aeneas kế vị sau này.
31) Lavinia: Vợ thứ ba của Aeneas.
32) Brutus: Lucius Junius Brutus, người trục xuất Tarquin vào năm 510 trước Công Nguyên, vị vua cuối cùng của La Mã, và trở thành lãnh sự đầu tiên của Nền Cộng Hoà La Mã.
33) Cùng Bốn Nữ Anh Hào Với Đức Hạnh Trinh Nguyên: Trong nguyên tác liệt kê rõ tên của bốn người phụ nữ này (Lucretia, Julia, Marcia và Cornelia), nhưng vì tổng số âm tiết trong tên của họ vượt qua số âm tiết (10 âm tiết) trong bản dịch Việt ngữ nên tôi chỉ dịch theo ý. Họ là bốn người phụ nữ đức hạnh trong lịch sử nền Cộng Hoà La Mã; sau khi bị hãm hiếp bởi con trai của vua Tarquin, Lucretia đã anh dũng tự sát; Julia, con gái của Julius Caesar, vợ của Pompey; Marcia là vợ của Cato (Luyện Ngục. I. 78-90); và Cornelia là mẹ của anh em nhà Gracchi, hai trong số những nhà lãnh đạo vĩ đại của La Mã (cũng có thể là Cornelia, vợ thứ hai của Pompey).
34) Saladin: Vua xứ Ai Cập 1171-93. Ông là người gây nên những thất bại liên tiếp của quân Thập Tự Chinh, nhưng nổi tiếng ở phương Tây bởi sự rộng lượng và lòng nghĩa hiệp.
35) Vị Thầy: Aristotle: Triết gia Hy Lạp.
36) Socrates và Plato: Hai triết gia Hy Lạp, Socrates (469-399 BC) và học trò của ông Plato (c. 429-347 BC), thầy của Aristotle.
37) Democritus: Nhà toán học Hy Lạp (c. 460-370 BC), cha đẻ của thuyết nguyên tử thô sơ.
38) Diogenes: Triết gia Hy Lạp (c. 400-325 BC), một trong những nhà sáng lập của chủ nghĩa khuyển nho. Nổi tiếng bởi lối sống đức hạnh, lánh xa ham muốn vật chất khi ông chỉ sống trong một cái trum lớn.
39) Empedoles: Triết gia sống vào khoảng thế kỷ thứ 5 trước Công Nguyên.
40) Zeno: Cha đẻ của chủ nghĩa Khắc Kỷ.
41) Thales: Cha đẻ của Triết Học Hy Lạp (c. 635-c. 545 BC).
42) Anaxagoras: Triết gia và chiêm tinh gia Hy Lạp (c. 500-c. 428 BC).
43) Heraclitus: Triết gia Hy Lạp (c. 500 BC).
44) Dioscorides: Danh y và nhà văn Hy Lạp, người viết tác phẩm De Materia Medica (Về Vật Liệu Thuốc), khoảng thứ kỷ thứ nhất sau Công Nguyên.
45) Opheus: Nhà thơ trong thần thoại Hy Lạp, người mê hoặc muôn thú, cây cỏ và đất đá bởi những khúc nhạc của ông.
46) Tully: Marcus Tullius Cicero (106-43 BC), chính khách, diễn giả, triết gia La Mã.
47) Seneca: Triết gia và tác giả bi kịch Hy Lạp (4 BC-65 AD).
48) Euclid: Nhà toán học Hy Lạp.
49) Plolemy: Claudius Ptolemaeus. Nhà toán học và chiêm tinh gia Hy Lạp (khoảng thế kỷ thứ hai sau Công Nguyên), nhà khai sáng học thuyết Địa Tâm với chín thiên thể xoay quanh Trái Đất, nền tảng cho chiêm tinh học và thiên văn học xuyên suốt thời kỳ Trung Cổ.
50) Hippocrates: Danh y Hy Lạp, được xem là cha đẻ của y học (c. 460-370 BC).
51) Galen: Danh y Hy Lạp.
52) Avicenna: (AD 980-1037), triết gia, thầy thuốc Ả Rập, nhà khảo luận triết học Aristotle và Galen.
53) Averroes: hay Ibn Rushd, triết gia, nhà thông thái Ả Rập, người viết nên những bài khảo luận quan trọng nhất về triết học Aristotle.

– Theo chú thích trong Dante Alighieri, The Divine Comedy. Translated by Allen Mandelbaum.

____________________

* Pháp Hoan dịch từ bản dịch tiếng Anh của John Ciardi và Allen Mandelbaum, có tham khảo thêm những bản dịch khác của A. S. Kline và Henry Wadsworth Longfellow.
* Artwork: Gustave Doré – Dante Alighieri – Inferno – Plate 12 (Canto IV – Limbo, Dante is accepted as an equal by the great Greek and Roman poets).
* Ủng hộ tác giả: phaphoan.ca/contact/

5 comments

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s