THẦN KHÚC – DIVINA COMMEDIA
(DANTE ALIGHIERI)
Phần I: Hoả Ngục
Đọc Canto I và II ở đây:
Canto I: https://phaphoan.com/…/than-khuc-divina-commedia-cau…/
Canto II: https://phaphoan.com/…/than-khuc-divina-commedia-canto…/
_________________________
CANTO III: (279-405)
TA CHÍNH LÀ CON ĐƯỜNG DẪN VỀ MIỀN THỐNG KHỔ,
TA CHÍNH LÀ CON ĐƯỜNG DẪN ĐẾN CHỖ ĐAU THƯƠNG,
TA CHÍNH LÀ CON ĐƯỜNG DẪN QUA NƠI LẦM LẠC.
SỰ CÔNG CHÍNH THIÊNG LIÊNG THÚC GIỤC NGƯỜI TẠO TÁC;
TA ĐÃ ĐƯỢC DỰNG NÊN BỞI SỨC MẠNH VÔ SONG,
BỞI TRÍ TUỆ CAO THÂM VÀ TÌNH YÊU NGUYÊN THUỶ.
TRƯỚC KHI TA SANH RA, VĨNH HẰNG ĐÃ Ở ĐÓ,
VƯỢT LÊN TRÊN TẤT CẢ TA TỒN TẠI ĐỜI ĐỜI.
KẺ NÀO BƯỚC VÀO RỒI, HY VỌNG NÊN TỪ BỎ.
‘’Những dòng huyền bí này khắc vào vách đá tối
Trên cánh cổng địa ngục, xin thầy hãy cho hay;
Bởi cố gắng lắm thay con cũng không hiểu nổi’’
Thầy liền trả lời tôi như một người từng trải:
‘’Nơi này bao ngần ngại con phải bỏ sau lưng
Và hèn nhát trong tim phải hợp tâm chống lại.
Chúng ta vừa đến nơi trước đây ta từng kể,
Ở chốn này con sẽ thấy những kẻ đớn đau,
Bởi vì họ từ lâu đã bỏ rơi trí tuệ.’’
Thầy nắm lấy tay tôi với vẻ mặt hiền dịu
Bao lo lắng trong lòng dường như cũng tiêu hao,
Rồi thầy dẫn tôi vào giữa những điều ẩn dấu.
Nơi những tiếng thở dài và tiếng khóc man dại
Vọng lên tới bầu trời không lấy một vì sao,
Chẳng biết tự lúc nào nước mắt tôi tuôn chảy.
Những ngữ điệu lạ lùng và âm thanh khiếp đảm,
Những ngôn từ căm phẫn và lời lẽ than van,
Những chất giọng đục khàn và bàn tay vỗ mạnh –
Tất cả cùng hợp thành một cơn lốc náo động.
Mãi quay cuồng vô vọng giữa bầu khí tối tăm,
Như cát bụi xoay mòng trong cuồng phong bão tố.
Và ngập tràn trong tôi bao nỗi niềm khiếp sợ –
Tôi quay đầu sang hỏi: ‘’Ôi tiếng động chi đây?
Cớ sao những người này lại chịu muôn thống khổ?’’
Thầy nhẹ nhàng bảo tôi: ‘’Đám người này một thuở,
Khi sống không tôn thờ cũng chẳng dám chê bai,
Thế nên đoạn đường dài phải một phen khổ sở.’’
Nơi đây họ nhập cùng đám thiên thần rẻ rúng,
Chẳng chống đối Chúa Trời cũng không muốn trung kiên,
Bởi ý nghĩ đầu tiên là lợi ích của chúng.
Thiên Đường đuổi chúng đi để giữ gìn vẻ đẹp,
Địa ngục chẳng nhận về bởi lẽ nếu cho vô,
Sợ rằng đám tội đồ sẽ được phen hống hách.’’
Rồi tôi lại hỏi thêm: “Vì đâu nỗi dằn vặt,
Khiến cho đám vong hồn ai oán mãi không thôi?’’
Thầy liền trả lời tôi với đôi lời vắn tắt:
‘’Bởi đám vong hồn này hết trông mong được chết;
Và số kiếp mịt mờ của chúng lắm thương đau
Nên chúng mãi khát khao được làm thân phận khác.
Danh tiếng bị lãng quên ở bên trên thế giới;
Lòng thương và công lý cũng chối bỏ, khinh khi;
Thôi nói nữa làm chi hãy nhanh chân bước tới.”
Và khi quay lại nhìn ở trên cao tôi thấy
Một ngọn cờ run rẩy, xoay tít giữa không gian
Với tốc độ kinh hoàng dường lao đi mãi mãi.
Ở phía sau ngọn cờ một hàng dài bước tới
Với vô số vong hồn – tôi còn chẳng dám tin
Rằng Cái Chết quả tình đã nhanh tay đến thế.
Sau khi tôi nhận ra được một vài khuôn mặt,
Và đưa mắt ngắm nhìn bóng dáng một vong linh
Bởi hèn nhát trong tim nên khước từ Trọng Trách.
Chỉ khi nhìn thấy ông tôi mới hay sự thật:
Rằng đây là vong đoàn của những kẻ nhát gan,
Bị ghét bỏ hoàn toàn bởi thánh nhân, quỷ vật.
Những kẻ ti tiện này chưa một lần sống tốt,
Không mảnh vải trên người đang vung vẫy chân tay,
Xua lũ ong bắp cày bay vòng quanh cắn đốt.
Máu ở trên khuôn mặt vừa bị châm chảy xuống
Cùng với dòng nước mắt quyện vào dưới đôi chân,
Nơi lũ dòi hôi tanh đang chực chờ để uống.
Rồi khi đưa mắt nhìn sang dòng sông chảy siết,
Tôi thấy một nhóm người đổ tới từ khắp nơi
Và tôi hỏi: ”Thầy ơi, xin hãy cho con biết,
Đám người này là ai và bộ luật nào đó,
Cớ sao bến bờ nọ họ khao khát vượt qua,
Dẫu ánh sáng nhạt nhoà con vẫn còn thấy rõ.”
Và thầy nói với tôi: ‘’Chẳng việc gì phải vội
Bên bờ sông u tối của dòng A-che-ron,
Con sẽ tỏ nguồn cơn những điều con vừa hỏi.’’
Tôi xấu hổ cúi đầu sợ những lời lúc nãy
Đã làm phật ý thầy nên chẳng nói gì thêm
Cho đến lúc đôi chân dừng bên dòng nước xoáy.
Trên mặt nước sục sôi một chiếc thuyền lướt tới,
Kẻ lái đò già cỗi – râu tóc trắng như vôi –
Lão quát lên: “Đáng đời, đám vong nhân đồi bại!
Đừng có mong một ngày được sinh về chốn đó:
Ta đến đây để chở lũ chúng mày qua sông,
Đến bóng tối vĩnh hằng và đá băng lửa đỏ.
Kẻ nào ở đằng kia, này linh hồn còn sống,
Chúng nó chết cả rồi! Mi hãy đứng tách ra!’’
Khi liếc mắt nhìn qua thấy tôi không cử động,
Lão lái đò cằn nhằn: “Nếu bờ kia muốn đến –
Chẳng phải ở chốn này – hãy tìm lối đi riêng:
Một chiếc thuyền nhẹ hơn sẽ chở mi tới bến.’’
Người hướng đạo trả lời: “Cha-ron, chớ bực bội:
Chuyến đi vào ngục tối đã an định trên kia,
Mệnh lệnh phải thực thi; không có ai được hỏi.”
Cơn phẫn nộ nguôi dần ở bên trên nét mặt
Của kẻ chở linh hồn qua đầm nước tối tăm,
Với vòng lửa viền thâm ở chung quanh hốc mắt.
Nhưng còn đám vong nhân đang trần truồng rũ rượi,
Sau khi nghe những lời đay nghiến của Cha-ron;
Hàm răng chúng đánh dồn và sắc mặt biến đổi.
Chúng báng bổ Chúa trời và tổ tiên, cha mẹ
Chúng nguyền rủa loài người và nơi chốn, thời gian
Lúc bụng chửa dạ mang đến ngày sanh tháng đẻ.
Chúng lùi lại đằng sau rồi khóc lên nức nở,
Bên bờ sông khốn khổ, oán trách mãi không thôi,
Những kẻ trước Chúa trời đã không còn kính sợ.
Mắt ác quỷ Cha-ron sáng như viên đá lửa,
Đang đưa tay ra hiệu cho bọn chúng đi theo;
Và nện xuống mái chèo đến những ai lần lữa.
Khác gì đám lá thu đang rụng rơi về cội,
Cho đến khi còn lại chỉ một nhánh cây khô,
Nhìn xác lá chơ vơ trên nền đất cằn cỗi,
Hạt giống của A-đam, bạo tàn và hung ác
Từng người, từng người một dần đi xuống bờ sông,
Theo hiệu lệnh của ông giống tiếng kêu chim cắt.
Rồi chiếc thuyền lướt đi trên mặt sông mờ tối;
Bên kia bờ chưa tới, bên này đã chen chân,
Thêm một đám vong nhân tụ về khắp mọi lối.
‘’Này con trai, những ai, ở bên trên thế giới,
Chết trong cơn thịnh nộ của Thượng Đế trên cao,
Nơi đây sẽ bước vào.’’ Thầy tôi ân cần nói.
”Và bọn chúng khát khao để vượt qua dòng nước
Bởi công lý thánh thần thúc giục mãi không thôi,
Nên nỗi sợ, hỡi ôi, hoá thành niềm mong ước.
Chẳng có linh hồn nào tốt đẹp từng tới đó;
Nên Cha-ron phàn nàn, con hãy cứ cảm thông,
Bởi lời lẽ của ông giờ đây con đã rõ.”
Sau khi thầy nói xong cả bình nguyên tăm tối.
Bỗng rung lên dữ dội, ôi kinh khủng lắm thay!
Chỉ cần nhớ lại thôi đủ khiến tôi khiếp hãi.
Trên mặt đất lệ tràn nổi lên cơn lốc xoáy,
Rồi một tia sét đỏ giáng xuống giữa không gian,
Khiến toàn bộ giác quan bỗng trở nên tê dại.
Rồi Như Người Ngủ Say, Tôi Ngã Vào Chốn Ấy.
————————–
1) Người Tạo Tác: Thượng Đế. Người tạo nên Địa Ngục như một chốn để thi hành Công Lý tối cao.
2) Sức Mạnh Toàn Năng, Trí Tuệ Cao Thâm, Tình Yêu Nguyên Thuỷ: Ám chỉ học thuyết Ba Ngôi, với Thượng Đế là ba ngôi trong một: Sức mạnh toàn năng của Chúa Cha, Trí tuệ cao thâm của Chúa Con, và Tình yêu nguyên thuỷ của Chúa Thánh Thần.
3) (Những Thành Tố) Vĩnh Hằng: thiên thần, thiên đường, vật chất sơ khai, những thứ đã được Thượng Đế sáng tạo đầu tiên (Par. XXIX, 22-36). Địa ngục được tạo ra sau, khi nhiều thiên thần, lãnh đạo bởi Lucifer, nổi loạn chống lại Chúa Trời và bị tống vào chốn đó.
4) ”Và đưa mắt ngắm nhìn bóng dáng một vong linh, bởi hèn nhát trong tim nên khước từ Trọng Trách.’’ Hẳn ám chỉ Giáo Hoàng Celestine V, người lên ngôi Giáo Hoàng năm 1294. Ông từng sống một cuộc đời thánh thiện, nhưng bản thân ông lại bị thuyết phục bởi một tu sĩ tên Benedetto khi hắn cho rằng linh hồn ông đang gặp phải nguy hiểm, bởi chẳng có ai sống trên cõi đời mà không bị nguyền rủa. Sợ rằng linh hồn mình sẽ bị đày đoạ, ông lánh xa thế sự và từ bỏ chức vụ Giáo Hoàng. Benedetto nhân cơ hội này thâu tóm Hồng Y Đoàn và trở thành Giáo Hoàng Boniface VIII, vị Giáo Hoàng mà, đối với Dante, đã trở thành biểu tượng cho sự thối nát của Nhà Thờ Công Giáo. Dante cũng đổ lỗi Boniface và những mánh khoé của ông cho mọi tai ương xảy đến với Florence. Chúng ta sẽ biết thêm trong Canto XIX, khi một ngọn lửa đang chờ đợi Boniface trong rãnh ngục dành cho những kẻ Buôn thần bán thánh. Tội của Celestine là tội hèn nhát, như một cửa ngõ cho mọi xấu xa len lỏi vào Giáo Hội.
5) Kẻ lái đò già cỗi: Charon, kẻ lá đò đưa linh hồn vượt qua sông Acheron. Bên cạnh quỷ dữ (và những thiên thần sa đoạ), Dante còn đưa vào những nhân vật trong thần thoại cổ điển của như những vị thần hộ mệnh ở Địa Ngục, mô tả họ trong dáng hình những con quỷ hung tàn.
6) Hạt giống của Adam: Nhân loại, hậu duệ của Adam và Eva.
7) ‘’Bởi công lý thánh thần thúc giục mãi không thôi, nên nỗi sợ, hỡi ôi, hoá thành niềm mong ước.’’: Địa ngục. Nơi mà những linh hồn bị nguyền rủa khao khát được đi vào.
– Theo chú thích trong The Divine Comedy, The Inferno, The Purgatorio, and The Paradiso. Dante Alighieri. Translated by John Ciardi và trong Dante Alighieri, The Divine Comedy. Translated by Allen Mandelbaum.
____________________
* Pháp Hoan dịch từ bản dịch tiếng Anh của John Ciardi và Allen Mandelbaum, có tham khảo thêm những bản dịch khác của A. S. Kline và Henry Wadsworth Longfellow.
* Artwork by Gustave Dore.
* Ủng hộ tác giả: phaphoan.ca/contact/
Tóm Tắt Canto III:
Hai thi sĩ vừa đi qua CÁNH CỔNG ĐỊA NGỤC thì ngay lập tức bị vây bủa bởi vô số tiếng khóc than. Dante nhìn thấy những linh hồn bị nguyền rủa trước tiên. Bọn chúng là những KẺ CƠ HỘI, những linh hồn lúc sanh tiền không vì điều lành hay điều dữ mà chỉ vì chính bản thân. Nhập vào chúng là một toán thiên thần không theo phe phái trong cuộc nổi loạn chống lại ĐỨC CHÚA TRỜI. Chúng không ở trong hoặc ngoài ĐỊA NGỤC. Không bao giờ được phân loại, mãi mãi đuổi theo một ngọn cờ trong bầu không khí u ám hôn mông, trong khi bị lũ ong bắp cày rượt theo châm đốt, rồi từ thân thể chúng những dòng máu tươi đổ xuống để làm thức ăn cho lũ dòi bọ.
Luật trong Địa Ngục của Dante là luật báo ứng. Bởi chúng gây nên tội lỗi nên chúng phải bị trừng phạt. Bởi chúng không theo phe phái nên chúng không còn chốn dung thân. Bởi chúng luôn kiếm tìm ảo tưởng của lợi ích cá nhân nên chúng phải đuổi theo ngọn cờ không bao giờ dừng lại. Bởi tội lỗi của chúng tăm tối chúng phải đi vào chốn tối tăm. Bởi lương tâm của chúng ăn năn nên chúng phải bị lũ ong châm đốt. Bởi đạo đức của chúng hoen ố nên chúng phải ở lại trong vùng đất hôi hám của lũ dòi bọ thối tha.
Dante nhận ra nhiều người, một trong số đó là GIÁO HOÀNG CELESTINE V, nhưng không hề dừng lại để bắt chuyện, hai thi sĩ đi đến bờ sông ACHERON, con sông đầu tiên của miền ĐỊA NGỤC. Nơi những linh hồn bị nguyền rủa đang tụ tập và chờ lão quái vật CHARON đưa chúng qua sông. Charon nhận ra Dante là một linh hồn sống và phẫn nộ từ chối. Virgil ép Charon phải thuận theo, nhưng rồi Dante ngất đi trong khiếp đảm, và không hề tỉnh lại cho đến khi đã qua bên kia bờ.
ThíchThích
ThíchThích
”Những giới hạn của ngôn ngữ của tôi nghĩa là những giới hạn của thế giới của tôi.” – Ludwig Wittgenstein.
Tiếng Ý có khoảng 270.000 từ (theo Grande Dizionario Italiano dell’Uso), tiếng Anh có khoảng 600.000 từ (theo Từ điển Oxford), còn theo cuốn từ điển mới nhất do Hoàng Phê chủ biên thì tiếng Việt có khoảng 46.890 từ. Vậy, vì giới hạn của ngôn ngữ dịch, dẫu tài năng của dịch giả có lớn đến cách mấy cũng khó mà truyền đạt được vẻ đẹp của Divina Comedia (Thần Khúc) sang tiếng Việt.
ThíchThích