Khạc Ra Máu Tươi: Tái Khám Phá Những Bài Thơ Tuyệt Mệnh Nhật Bản

KHẠC RA MÁU TƯƠI: TÁI KHÁM PHÁ NHỮNG BÀI THƠ TUYỆT MỆNH NHẬT BẢN
 
Vào ngày 24 tháng bảy năm 1927, Ryunosuke Akutagawa, một trong những nhà văn hiện đại quan trọng bậc nhất của Nhật Bản, bảo dì của mình mang bài haiku này đến cho bác sĩ gia đình của ông (cũng là một nhà thơ haiku).
 
Nước mũi chảy liên hồi
sáng lên trong bóng tối
chỉ chỗ này mà thôi.
 
One spot, alone
left glowing in the dark
my snotty nose. 
 
Vào tối hôm đó, bị thúc đẩy bởi ”sự lo lắng mơ hồ về tương lai của mình”, ông đã kết liễu cuộc đời bằng thuốc ngủ. Tuy được xem trước hết là một nhà văn viết truyện ngắn, Akutagawa đã, trong khoảng thời gian ngắn trước khi chết, cống hiến đến truyền thống thơ ca giàu có – thứ đến giờ vẫn chưa được công nhận rộng rãi ở phương Tây: một bài thơ tuyệt mệnh.
 
Tuyệt mệnh thi (hay Từ thế ca) là một thể loại thơ ca sinh động trong lịch sử văn học Nhật. Jisei (辞世; Từ thế) hay ”bài thơ từ giã cõi đời”, được sáng tác trên giường chết của tác giả. Thể loại này có sự liên quan mật thiết đến những bài kệ thị tịch trong truyền thống Thiền Tông Phật Giáo, thường phản ánh thái độ điềm tĩnh nhưng thực tế trước cái chết và bản chất vô thường của cuộc sống. Những bài thơ này, đánh lừa bởi vẻ bề ngoài đơn giản của chúng, thường sử dụng những ẩn dụ để nói về cái chết, chủ đề của chúng có thể là những đồ vật hoặc những hiện tượng tự nhiên trong đời sống hằng ngày, ví dụ như bài thơ từ thế này của Saruo:
 
Hoa anh đào rụng rơi
ở trên mâm há cảo
chỉ mới ăn nửa vời.
 
Cherry blossoms fall
on a half-eaten
dumpling.
 
Hay bài haiku này của Rokushi:
 
Thức dậy muộn màng
bảy mươi lăm tuổi
một giấc kê vàng.
 
I wake up
from a seventy-five-year dream
to millet porridge.
 
Những bài thơ từ thế đã được sáng tác hàng trăm năm nay trong những tầng lớp văn nhân Nhật Bản, tuy thế, thể loại này chỉ trở nên phổ biến trong thời kỳ Meiji (1868-1912). Dẫu chịu sự ảnh hưởng của mỹ học Thần Đạo, thể loại này lại có nguồn gốc từ Thiền Tông. Trong Bản thể luận Phật giáo, có Tam Pháp Ấn dùng để mô tả về bản chất của vạn sự vạn vật. Ba pháp ấn này là Vô Thường, Khổ và Vô Ngã; chúng là những đề mục phổ biến trong thơ từ thế. Cũng từ đó, hoa đã trở thành một trong những biểu tượng thịnh hành dùng để miêu tả về bản chất của cuộc đời. Như bài haiku này của Shukyo:
 
Trên dậu lan tràn
vẫn không thoả mãn
những nhành triêu nhan.
 
Above the fence
the morning glory stretches
still unsatisfied.
 
Mùa thu, giấc mộng, ánh trăng, sương giá cũng là những motif quen thuộc phản ánh sự tiếp cận đầy bi quan về cuộc đời:
 
Đám lá phong rơi
tôi không xứng nhận
tấm thảm đỏ tươi.
 
I am not worthy
of this crimson carpet:
autumn maple leaves.
 
_KYOHAKU
 
Giã từ thế nhân
đời tôi là hạt
sương rơi đầu cành.
 
Farewell-
I pass as all things
the dew on grass
 
_BANZAN
 
Mặc cho thái độ nghiêm trọng, một số bài thơ từ thế lại mang tâm thế hài hước, ví như bài haiku này của Kyo’on:
 
Đánh rắm lúc lìa đời
lá kia rơi vô ích
trong giấc mộng của tôi?
 
Last fart:
are these the leaves
of my dream, vainly falling?
 
Và một số bài còn chế nhạo truyền thống này:
 
Thơ trước lúc lìa đời
cũng chỉ là ảo tưởng –
chết là chết, vậy thôi!
 
Death poems
are mere delusion-
death is death.
 
_TOKO
 
Những bài thơ này, càng súc tích càng tốt, chia sẻ một số điểm đặc biệt của cả hai thái độ văn hoá và cá nhân về cuộc đời, cái chết và tính chất vô thường của cuộc sống. Những bài thơ mang hơi hướm khắc kỷ nhưng chứa đựng sự phản quang chân thật trên giường chết của tác giả, thấm đẫm tinh thần u tịch của tư tưởng Thiền tông. Chúng dưỡng nuôi khả năng thức tỉnh trước những thứ không quan trọng và bản chất hư ảo của những thành công và thất bại của mỗi cá nhân. Chúng chống lại bản năng xem bản thân chúng ta và thế giới này là những thực thể thường hằng bất biến. Và quan trọng hơn hết, chúng giúp ta làm quen với sự có mặt của cái chết trong đời sống hằng ngày, cũng như khơi gợi sự bình an nhất định trong sự nhận thức về sự thật này.
 
Khạc ra máu tươi
dọn sạch thực tại
và cơn mộng đời.
 
Spitting blood
clears up reality
and dream alike.
 
_SUNAO
 
____________
Pháp Hoan dịch từ bản tiếng Anh Spitting Blood: Rediscovering the Japanese Death Poem trong OAKLAND ARTS REVIEW.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s