Chương 9 – Lắng Nghe
(Haiku Mind, 108 Poems to Cultivate Awareness & Open Your Heart)
Ôi tĩnh lặng làm sao!
thấm sâu vào tầng đá
tiếng ve sầu trên cao.
Stillness
piercing the rocks
the sound of cicadas.
Bất kể ai từng nghe về vòng đời mười bảy năm của ve đều không khỏi bồi hồi khi nghe thấy tiếng kêu đinh tai của chúng. Trong một trưa mùa hè, khi đang viếng thăm vùng núi phía bắc nơi Basho từng ghé qua và sáng tác bài haiku này – và nơi bài haiku của ông được khắc lên một phiến đá lớn, như một phong tục của xứ Phù Tang – tôi cuối cùng cũng có thể hiểu được tiếng kêu xuyên vào muôn tầng đá là như thế nào. Như thể Thiên Nhiên đang kêu gào để chúng ta nghe thấy, cũng như những bức tranh về hoa của O’Keeffe, được bà phóng lên thật to và rõ để chúng ta có thể thực sự thấy được chúng. Đôi khi chúng ta cần một ai đó hoặc một vật nào đó nhắc nhở để có thể mở rộng các giác quan của mình thêm lần nữa, bởi nếu lắng nghe sâu chừng nào, chúng ta sẽ nghe được nhiều chừng ấy. Không ai khác mà chính là John Cage đã khiến giới âm nhạc lúc bấy giờ ”sững sốt” bởi bản nhạc khét tiếng có tựa đề ‘’4 phút: 33 giây’’. Thính giả không được nghe thứ âm nhạc hoà tấu cổ điển mà thay vào đó là một tràng im lặng, buộc tất cả những ai có mặt trong sảnh đường đều phải cùng ‘’lắng nghe’’ (trong 4 phút 33 giây) những tiếng động khác nhau: tiếng một ai đó đang ho, tiếng một chiếc xe vừa chạy qua, tiếng động cơ máy bay phản lực phía trên xa, và tiếng nhịp tim của mỗi người. Thế đó, một bài học về sự lắng nghe âm nhạc ở xung quanh. Chúng ta bắt đầu cuộc đời bằng việc lắng nghe âm thanh trong tử cung của mẹ, và kết thúc cuộc đời bằng việc nghe thấy, thính giác của ta ngừng lại. Và ở giữa, là muôn vàn tiếng động để nghe.
_________________
* Pháp Hoan dịch từ bản tiếng Anh của Patricia Donegan trong Haiku Cho Tâm Hồn: 108 Bài Thơ Để Nuôi Dưỡng Sự Tỉnh Thức & Mở Rộng Trái Tim (Haiku Mind, 108 Poems to Cultivate Awareness & Open Your Heart).
*Artwork: Girl in a white Kimono by George Hendrik Breitner (1857-1923).