Chương 27: Niềm Khoái Cảm – Patrica Donegan

Chương 27: Niềm Khoái Cảm
(Haiku Cho Tâm Hồn: 108 Bài Thơ Để Nuôi Dưỡng Sự Tỉnh Thức & Mở Rộng Trái Tim)
 
Hoa anh đào rụng rồi
bình an giờ trở lại
trong trái tim con người.
 
Cherry blossoms fallen-
people’s hearts
serene again.
 
_KOYU-NI
 
Hoa anh đào, hay sakura, là hình ảnh sáo mòn trong văn hoá Nhật Bản và là một trong những hình mẫu của vẻ đẹp Á Đông, cùng với geisha và samurai, khó có thể bỏ qua. Tuy thế, theo truyền thống, nó là biểu tượng của các võ sĩ Nhật, bởi cuộc đời của hoa thường chỉ kéo dài vài ba ngày. Tôi đã không thể hiểu được sức lan toả của hoa trong văn hoá và thi ca Nhật Bản cho đến khi tôi đến viếng xứ sở Phù Tang vào mùa xuân. Cất bước dọc theo lối đi toả rợp bởi hai hàng anh đào đang nở rộ, tôi đã bị choáng ngợp bởi vẻ đẹp của nó, như thể thiên đường ngàn sao của thi sĩ William Blake đột ngột mở ra trước mặt: ‘’Thấy Thế Giới trong một Hạt Cát nhỏ / Và Thiên Đường trong mỗi Đoá Hoa tươi / Giữ Vô Hạn trong bàn tay hé mở / Và Thiên Thu trong khoảnh khắc cuộc đời.’’ Một thoáng lỡ chân bước vào cõi vĩnh hằng, vượt ra ngoài không gian và thời gian của thế nhân, một khoảnh khắc của sự kinh ngạc, khi mọi thứ trở nên hoàn hảo như chúng là. Trong bài haiku đơn giản này, tác giả mô tả kết cục của cuộc thưởng hoa, của nền văn hoá Thần Đạo luôn dành sự tôn kính và niềm vui thích đối với Thiên Nhiên, ngay cả trước sự suy tàn của môi trường hiện đại, mọi người rời khỏi nhà của mình, ngày và đêm, cùng nhau ca hát và nhảy múa – thường sau khi đã say mèm bởi rượu sake – bên dưới những tán hoa anh đào trên mọi miền đất nước, để lại những tàn dư của tiệc rượu cho lũ quạ. Sau niềm phấn khích, sự bình an lần nữa trở lại, những khuôn mặt thanh thản trên những chuyến tàu im lặng. Nhưng trong thoáng chốc, chúng ta trở về với thời kỳ ban sơ của sự từ bỏ những khoái cảm để được sống trong sự hồi sinh của Thiên Nhiên. Thực ra, giá trị của niềm khoái cảm này đã trở thành điển chế trong thời kỳ Edo với thuật ngữ ukiyo-e, tức ‘’cõi phù thế’’ được miêu tả trên những bản in mộc bản. Nguồn gốc của thuật ngữ Phật giáo này là ‘’cuộc đời vô thường’’, sau này được sử dụng nhằm chuyên chở sự nắm bắt những lạc thú thoáng qua trong hiện tại mà không hề cảm thấy tội lỗi. Ah, niềm khoái cảm của cuộc đời!
 
_________________
* Pháp Hoan dịch từ bản tiếng Anh của Patricia Donegan trong Haiku Cho Tâm Hồn: 108 Bài Thơ Để Nuôi Dưỡng Sự Tỉnh Thức & Mở Rộng Trái Tim (Haiku Mind, 108 Poems to Cultivate Awareness & Open Your Heart).

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s