Tản Mạn Về Việc Dịch Thần Khúc
”Những giới hạn của ngôn ngữ của tôi nghĩa là những giới hạn của thế giới của tôi.” – Ludwig Wittgenstein.
Tiếng Ý có khoảng 270.000 từ (theo Grande Dizionario Italiano dell’Uso), tiếng Anh có khoảng 600.000 từ (theo Từ điển Oxford), còn theo cuốn từ điển mới nhất do Hoàng Phê chủ biên thì tiếng Việt có khoảng 46.890 từ. Vậy, vì giới hạn của ngôn ngữ dịch, dẫu tài năng của dịch giả có lớn đến cách mấy cũng khó mà truyền đạt được vẻ đẹp của Divina Comedia (Thần Khúc) sang tiếng Việt.
*
Trong các thể loại văn học, thơ ca là khó dịch nhất. Việc dịch thơ trữ tình Anh Đức, hay các thể thơ cổ điển Á Đông, thí dụ thể thơ Thất ngôn bát cú của Trung Hoa sang tiếng Việt đã khó, việc sáng tạo ra những thể thơ mới tương đương trong ngôn ngữ dịch lại càng khó hơn; như việc tôi sáng tạo ra thể thơ Ngũ ngôn ngũ cú cho thể thơ Waka và Ngũ ngôn tam cú cho thể thơ Haiku (của Nhật Bản) từ thể thơ Ngũ ngôn bát cú (của Trung Hoa) trong bản dịch Việt ngữ.
Cũng vậy, lần này, khi bắt tay dịch Thần Khúc, tôi phải sáng tạo ra một thể thơ mới, chưa từng có trong tiếng Việt để dịch, như việc Dante sáng tạo ra thể thơ Terza rima cho Thần Khúc của ông. Terza rima là thể thơ với mỗi đoạn thơ gồm 3 câu (Tercet), mỗi câu thơ chứa 11 âm tiết, gieo vần theo lối aba, bcb, cdc, ded… Việc áp dụng thể thơ Terza rima cho tiếng Việt là điều bất khả, bởi tiếng Việt là ngôn ngữ đơn âm (khác với tiếng Ý là ngôn ngữ đa âm), và chịu sự chi phối bởi thanh điệu bằng trắc nên việc gieo vần theo lối a(b)a, (b)c(b) là điều không thể thực hiện.
Dựa trên thể thơ Terza rima của Ý, bản dịch Thần Khúc của tôi sẽ có 10 âm tiết cho mỗi câu (gần bằng với nguyên tác tiếng Ý), gieo vần trắc vào câu 1 và câu 3 (như lối gieo vần aba trong tiếng Ý, và một số bản dịch Thần Khúc trong tiếng Anh), và vần bằng của chữ thứ 10 của câu thứ 2 sẽ gieo vào vần bằng của chữ thứ 5 của câu thứ 3, và chữ thứ 5 của câu 1 và 3 đều là vần bằng.
Vậy chỉ xét về luật thơ, độ khó trong bản dịch tiếng Việt sẽ không kém gì nguyên tác. Còn độ hay thì còn phải tuỳ thuộc vào tài năng của dịch giả.
Đối với nhiều người, việc áp dụng luật thơ này cho hơn 14,233 câu thơ trong Thần Khúc là một việc làm bất khả, nếu không muốn nói là điên rồ. Nhưng đối với tôi, càng bất khả, càng điên rồ lại càng thú vị.
*
Dịch Thần Khúc ngại nhất là dịch tên riêng, với gần 900 tên riêng từ những anh hùng cổ đại, những tên tuổi trong Kinh Thánh đến những nhân vật hư cấu cùng thời của Dante. Dịch làm sao để các tên riêng trong tiếng Ý khi đọc lên nghe xuôi tai đã đành, mà còn phải sắp xếp vị trí như thế nào để không bỏ sót bất kỳ tên riêng nào, và vẫn theo đúng vần luật và nhịp điệu của thể thơ Terza rima Việt ngữ (ba câu mỗi khổ, mỗi câu mười âm tiết). Trong trường hợp số tên vượt khỏi âm tiết cho phép, tôi buộc phải dịch theo ý của câu. Như câu thơ ”Cùng Bốn Nữ Anh Hào Với Đức Hạnh Trinh Nguyên”. Họ là bốn người phụ nữ đức hạnh trong lịch sử nền Cộng Hoà La Mã; Gồm Lucretia, Julia, Cornelia và Marcia. (Lucretia, sau khi bị hãm hiếp bởi con trai của vua Tarquin, đã anh dũng tự sát; Julia, con gái của Julius Caesar, vợ của Pompey; Marcia, vợ của Cato (Luyện Ngục. I. 78-90); và Cornelia, mẹ của anh em nhà Gracchi, hai trong số những nhà lãnh đạo vĩ đại của La Mã (cũng có thể là Cornelia, vợ thứ hai của Pompey). Trong nguyên tác, câu này liệt kê rõ tên của bốn người phụ nữ, nhưng vì tổng số âm tiết của tên họ vượt khỏi tổng số âm tiết (10 âm tiết) trong bản dịch Việt ngữ nên tôi chỉ dịch thoát ý, sau khi đã tìm hiểu về lịch sử của bốn nhân vật này, kèm theo chú thích bên dưới.
Ở trước mặt bày ra một vùng xanh như ngọc,
Vong linh những anh hùng; chỉ cần thấy họ thôi
Đối với bản thân tôi là vinh quang tột bậc,
Tôi thấy E-lec-tra cùng những người đồng đội
Hec-tor, Ae-ne-as và có cả Cae-sar –
Mắt như chim ưng già, mặc giáp khiên sáng chói.
Pen-the-si-le-a, Ca-mil-la… tôi thấy.
Cùng vua La-ti-nus, ngồi một phía, đằng xa,
Với La-vi-ni-a, con gái ông ở đấy;
Tôi thấy người anh hùng đuổi Tar-quin kiêu ngạo,
Cùng bốn nữ anh hào với đức hạnh trinh nguyên,
Và cả A-la-din, ngồi một mình, tách biệt.
Khi tôi đưa mắt mình ngước chệch lên một chút,
Tôi nhìn thấy vị Thầy mà ai cũng nghe danh,
Được cung kính vây quanh bởi gia đình triết học.
Tất cả hướng về ngài và cúi đầu ngưỡng bái:
Tôi thấy So-cra-tes và thấy cả Pla-to,
Bên A-ris-to-tle, trước những người còn lại;
A-na-xa-go-ras và De-mo-cri-tus,
Di-o-ge-nes cùng, Tha-les với Ze-no,
Em-pe-do-les và, cả He-ra-clis-tus;
Di-o-sco-ri-des, nhà sưu tập thảo mộc,
Tôi thấy Or-phe-us và thấy cả Tu-lly,
Se-ne-ca, Li-vy, bên nhà đạo đức học;
Tôi thấy Pto-le-my, cùng Hip-po-cra-tes,
Eu-clid, nhà hình học, với A-vi-cen-na,
Còn có Ga-len và, cả A-ver-ro-es.